Đóng
GIỜ MỞ CỬA

Thứ 2 đến thứ 7 : 8h00 – 17h30

ĐỊA CHỈ

Văn phòng: 16 Đường D18, Phường Phước Long B, Tp. Thủ Đức, Tp. HCM


Google Maps

Tin tức

Xây dựng mô hình đô thị năng động, cởi mở

(Xây dựng) – Ngày 19/7, tại Hà Nội, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) – Cơ quan thường trực của Diễn đàn đô thị Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Bỉ và Quỹ phát triển châu Á tổ chức tọa đàm về vai trò quản trị trong việc hình thành những đô thị năng động, cởi mở, đáp ứng khả năng chống chịu.

xay-dung-do-thi

Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Nguyễn Tường Văn cho biết, Việt Nam nằm ở vị trí quan trọng tại Đông Nam Á cũng như khu vực châu Á với tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh. Hiện cả nước có khoảng 790 đô thị, tăng cả về số lượng và chất lượng, trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, phát triển đô thị đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thiếu kiểm soát về chức năng cũng như hình thái kiến trúc; phát triển “nóng” vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương; thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật – xã hội; tiềm ẩn nguy cơ do biến đổi khí hậu…

Để đối phó với tình trạng trên, Việt Nam cần đàm đạo nhiều hơn để tìm các giải pháp phù hợp cho sự phát triển. Tại buổi tọa đàm, Việt Nam mong muốn chia sẻ nhiều hơn về vai trò của quản trị đô thị ở các TP. “Trên tinh thần nghề nghiệp, hợp tác và chia sẻ, chúng tôi mong muốn cùng nhau nhận biết sâu sắc hơn về các vấn đề đô thị, cùng có quyết tâm tìm ra các giải pháp để đô thị phát triển bền vững, thịnh vượng” – ông Văn nói.

TS Michael DiGregorio – Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam cho rằng việc chia sẻ thông tin, đối thoại chính sách phát triển đô thị rất cần thiết, đặc biệt là tìm giải pháp phù hợp với từng giai đoạn phát triển, từng đặc thù riêng của mỗi địa phương. Chính sách công hiện đang được nhiều người quan tâm với những khía cạnh phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, cách vận dụng chính sách đó như thế nào… và hướng tới xây dựng điển hình là những thành phố cấp tiến.

TS Michael Douglass đến từ Viện Nghiên cứu châu Á và Trường Chính sách Công Lee Kuan Yew – Đại học Quốc gia Singapore thì chia sẻ: Đến cuối thế kỷ XXI, số dân trong các TP ở châu Á dự báo tăng thêm hơn 1 tỷ người. Vì thế, khu vực này cần được nâng cao khả năng chống chịu trước những như cầu khẩn cấp về xã hội, kinh tế và đặc biệt là những thảm họa môi trường đang diễn ra thường xuyên, ngày càng khốc liệt. Nếu năng lực yếu kém trong xử lý “tác động kép” sẽ làm suy yếu khả năng chống chịu lâu dài của các TP, thậm chí có thể phát sinh những rủi ro nguy hiểm hơn.

Theo TS Michael Douglass, cần xây dựng mô hình TP năng động, cởi mở với các trụ cột cơ bản như văn hóa, môi trường tự nhiên tốt, công bằng phân phối, hòa nhập trong đời sống cộng đồng và xã hội để có thể giải quyết các vấn đề này. Mô hình quản lý mới này có khả năng chống chịu để khắc phục những khủng hoảng sâu sắc trong đô thị hóa.

Giáo sư Myung Rae (Đại học Dankook – Hàn Quốc) thì chia sẻ kinh nghiệm của TP Seoul. Theo đó, con người được đặt vào vị trí trung tâm trong quản trị đô thị, giúp việc cải cách đô thị phát triển nở rộ về nhân bản. Bằng cách gắn kết xã hội dân sự trong quản trị đô thị, Seoul đã có thể phá vỡ mô hình TP quốc tế được kết nối toàn cầu để bắt đầu xây dựng con đường mà người dân nằm ở vị trí trung tâm nhằm phát triển nở rộ về phương diện nhân bản. Điều này giúp các TP năng động và cởi mở có thể phát triển từ những nguồn lực xã hội và văn hóa.

Về phía Việt Nam, đô thị lớn TP.HCM đề xuất bắt đầu từ chương trình chỉnh trang nhằm di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên vùng kênh rạch. Tiếp đó, TP xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng xuống cấp; chính trang, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển đô thị đồng bộ, văn minh. TP.HCM sẽ chú trọng khai thác hiệu quả các nguồn vốn huy thông thông qua việc rà soát, xác định quỹ đất để thực hiện hợp đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).